Tôn trọng nguyên tắc “công bằng” trong bồi thường

Tôn trọng nguyên tắc “công bằng” trong bồi thường

Tình huống: Ngày 9/6/2008, UBND phường Thịnh Đán (TP Thái Nguyên) ra Văn bản số 65/UBND trả lời đơn của một số hộ thuộc hai tổ dân phố số 18 và 19 đề nghị bồi thường phần đất hành lang an toàn giao thông đường Quang Trung thuộc dự án (D.A) cải tạo nâng cấp quốc lộ 3 tuyến tránh TP Thái Nguyên, thừa nhận sự trình bày của các hộ “là có cơ sở”.

Trước đó, ngày 26/6/1990, UBND tỉnh Bắc Thái (nay là Thái Nguyên) ban hành Quyết định số 165/QĐ-UB quy định “lộ giới đường Đán (nay là đường Quang Trung) là 25,5m (tính từ tim đường về mỗi bên là 12,75m)”. Thi hành Quyết định này, từ cuối năm 1990 đến trước ngày 15/10/1993, UBND phường Tân Thịnh (nay là phường Thịnh Đán) đã vận động nhân dân có đất tiếp giáp 2 mặt đường Đán tự nguyện tháo dỡ các công trình, thu hoạch cây cối hoa màu trên phần đất nằm trong lộ giới mà không bồi thường đất vì tại thời điểm đó pháp luật chưa quy định bồi thường đất cho các hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất. Đáng chú ý, tại Văn bản số 65/UBND, UBND phường Thịnh Đán cho biết chủ trương của tỉnh: Trường hợp đất của một số hộ nằm trong lộ giới an toàn giao thông đường Quang Trung 12,75m, nhưng hiện trạng trên đất đang tồn tại các công trình mà chưa thực hiện giải tỏa trước ngày 15/10/1993 “thì được xem xét nguồn gốc sử dụng đất áp dụng điều kiện bồi thường”.
Như vậy, trước ngày 15/10/1993, những hộ dân gương mẫu “tự nguyện tháo dỡ các công trình, thu hoạch cây cối hoa màu trên phần đất nằm trong lộ giới”, nay Nhà nước thu hồi đất, sẽ không được bồi thường; còn những hộ “đang tồn tại các công trình mà chưa thực hiện giải tỏa trước ngày 15/10/1993” thì lại được bồi thường.
Ý kiến của chúng tôi1. Ngày 26/6/1990, UBND tỉnh Bắc Thái (cũ) ban hành Quyết định số 165/QĐ-UB quy định lộ giới cho các tuyến đường trong TP Thái Nguyên, trong đó có đường Đán (nay là đường Quang Trung). Tuy nhiên, từ đó đến nay đã 19 năm, tại khu vực này vẫn “đang tồn tại các công trình mà chưa thực hiện giải tỏa trước ngày 15/10/1993” chứng tỏ hiệu lực quản lý Nhà nước ở địa phương… “có vấn đề”! Thật vậy, trước một Quyết định quản lý của chính quyền cấp tỉnh, người ta có thể nghiêm túc thực hiện (với những hộ dân gương mẫu) nhưng, với người khác, có thể… phớt lờ?
2. Tỉnh Thái Nguyên chủ trương áp dụng điều kiện bồi thường đối với những hộ gia đình nằm trong lộ giới an toàn giao thông, nhưng hiện trạng trên đất “đang tồn tại công trình mà chưa thực hiện giải tỏa trước ngày 15/10/1993” là phù hợp với quy định tại khoản 9 Điều 8 Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 3/12/2004 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (trường hợp hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà trước đây Nhà nước đã có quyết định quản lý nhưng trong thực tế Nhà nước chưa quản lý mà hộ gia đình, cá nhân đó vẫn sử dụng).
3. Về nguồn gốc và quá trình sử dụng đất, các hộ gia đình (không được bồi thường và được bồi thường đất) có điều kiện tương tự: Đều có giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15/10/1993, nay được UBND cấp xã xác nhận là đất sử dụng trước ngày 15/10/1993; đều là đối tượng phải thi hành Quyết định số 165/QĐ-UB ngày 26/6/1990 của UBND tỉnh Bắc Thái (cũ) quy định lộ giới đường Quang Trung.
4. Tại Chỉ thị số 05/2006/CT-TTg ngày 22/2/2006 “về việc khắc phục yếu kém, sai phạm, tiếp tục đẩy mạnh tổ chức thi hành Luật Đất đai”, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rõ ràng: Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất “phải bảo đảm công bằng giữa các đối tượng có điều kiện tương tự”.
Phải nói rằng, ở D.A này, tỉnh Thái Nguyên bồi thường đất và công trình cho các hộ sử dụng đang tồn tại công trình “chưa thực hiện giải tỏa trước ngày 15/10/1993” là đúng luật, hợp lòng dân. Từ đó, chúng tôi thiết nghĩ, lãnh đạo địa phương cũng nên xem xét lại chính sách bồi thường cho những hộ gương mẫu “đã thực hiện giải tỏa trước ngày 15/10/1993”. Chỉ có làm như vậy, nguyên tắc “công bằng” mà Thủ tướng chỉ đạo thực hiện mới được tôn trọng và thực sự đi vào cuộc sống!
Trong quá trình thực hiện, nếu có “vướng mắc” về pháp lý, tỉnh có thể tham khảo ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường.