Tính thời gian chưa chấp hành hình phạt | ||
– Ngày 17/4/2007, Nguyễn Thanh Tùng bị TAND TP Tuy Hoà (Phú Yên) xử phạt 1 năm cải tạo không giam giữ về tội trộm cắp tài sản quy định tại Điều 138 Bộ luật Hình sự. Trong thời gian thi hành án, ngày 3/7/2007, Tùng tiếp tục trộm cắp 1 xe đạp Martin đem bán được 500.000 đồng. |
||
Hai ngày sau, 5/7/2007, Tùng lại trộm 1 xe đạp Martin, bán được 300.000 đồng. Tuy phạm tội mới nhưng sau đó, Tùng không bị bắt giam mà được tại ngoại. Ngày 12/3/2008, TAND TP Tuy Hoà xét xử vụ án, nhận định: Bị cáo đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, nhưng ngày 3/7/2007 tiếp tục phạm tội mới. Do vậy, thời gian bị cáo đã chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ là 76 ngày (tính từ 17/4 – 3/7/2007); phần hình phạt cải tạo không giam giữ chưa chấp hành là 289 ngày được quy đổi thành 96 ngày tù (3 tháng 6 ngày). Từ đó, Toà xử phạt bị cáo 1 năm tù về tội trộm cắp tài sản, tổng hợp với hình phạt chưa chấp hành của bản án trước, buộc bị cáo chấp hành hình phạt chung là 1 năm 3 tháng 6 ngày tù.Việc Toà tính thời gian đã và chưa chấp hành của bản án trước để tổng hợp hình phạt đối với bị cáo làm nảy sinh hai loại ý kiến:
Ý kiến thứ nhất cho rằng, thời gian bị cáo đã chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ phải được tính từ ngày Toà tuyên bản án trước (17/4/2007) đến ngày Toà xét xử tội mới (12/3/2008). Việc Toà tính thời gian này từ ngày tuyên bản án trước (17/4/2007) đến ngày phạm tội mới (3/7/3007) là không hợp lý. Ý kiến thứ hai, đồng ý với cách tính của Toà, cho rằng cải tạo không giam giữ là hình phạt không tước sự tự do của người bị kết án. Bị cáo Nguyễn Thanh Tùng đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ lại phạm tội mới, chứng tỏ bị cáo đã từ chối việc cải tạo ngoài xã hội. Do đó, phải coi thời gian sau ngày bị cáo phạm tội mới là thời gian chưa chấp hành hình phạt. Toà án quyết định hình phạt đối với tội mới, sau đó tổng hợp với phần hình phạt chưa chấp hành của bản án trước (3 tháng 6 ngày) là đúng pháp luật. Ý kiến của chúng tôi 2. Về ý kiến cho rằng bị cáo “đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ lại phạm tội mới, chứng tỏ bị cáo đã từ chối việc cải tạo ngoài xã hội” nên “phải coi thời gian sau ngày bị cáo phạm tội mới là thời gian chưa chấp hành hình phạt” (để tổng hợp hình phạt khi đối tượng phạm tội mới): Ý kiến trên đây mang tính suy diễn, có thể giúp các chuyên gia pháp luật tham khảo trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Hình sự. Tuy nhiên, suy diễn đó thiếu cơ sở pháp lý, bởi pháp luật hiện hành không quy định cách tính thời gian chưa chấp hành hình phạt như thế. 3. Theo quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự, bị can, bị cáo “có thể tiếp tục phạm tội” được xem là một trong những trường hợp cần phải bắt tạm giam. Trong khi đó, diễn biến vụ này cho thấy bị cáo Tùng không dừng lại ở mức độ “có thể tiếp tục phạm tội” mà liên tục tái phạm tội (vào các ngày 3 và 5/7/2007) trong khi đang cải tạo không giam giữ, nhưng Tùng lại không bị bắt tạm giam (?). Thiết nghĩ, nếu liên tiếp phạm tội mới trong thời gian bị cải tạo không giam giữ, Nguyễn Thanh Tùng cần bị bắt tạm giam theo đúng quy định nêu trên. Như vậy, việc tính thời gian chưa chấp hành hình phạt sẽ “đơn giản” hơn.
|