“Khi một bên muốn đòi lại nhà và đất “

Khi một bên muốn đòi lại nhà và đất Năm 1975, ông Đào Văn Lạng là anh ruột chồng tôi được HTX Tân Thịnh xã Tân Hương, huyện Phổ Yên (Thái Nguyên) cấp đất tại thửa 15, tờ bản đồ 15, diện tích 896m2 tại xóm Đình để ở và làm nghề rèn. Đến năm 1976, ông Lạng mua đất ở xóm Vàng, thôn Trinh Nữ, xã Tân Hương, cho ông Đào Văn Xuân (em trai) làm nhà ở và tiếp tục nghề rèn ở thửa đất trên. Năm 1980, ông Xuân làm nhà cấp 4, mái lợp lá cọ ba gian, đào giếng, trồng cây. Ngôi nhà, giếng nước từ đó đến nay vẫn còn, không có gì thay đổi…

…Năm 1982, tôi và ông Đào Văn Xuân xây dựng gia đình và tôi theo chồng về ở ngôi nhà nói trên. Do mẹ tôi chỉ sinh có mình tôi nên vợ chồng tôi chuyển về ở với mẹ tôi và cũng chuyển nghề làm rèn về đó luôn. Vợ chồng tôi cho mẹ chồng là bà Nguyễn Thị Cõn, anh của chồng là Đào Văn Lâm (bị bệnh tâm thần) và anh Đào Văn Sinh (con ông Đào Văn Thái cũng là anh của chồng tôi) đến ở tạm trong lúc khó khăn không có nhà. Năm ấy, Sinh mới 11 tuổi. Năm 2005, do Đào Văn Sinh tranh chấp bờ rào với gia đình bên cạnh nên lộ ra việc đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) (ngày 24/7/1993, UBND huyện Phổ Yên ra Quyết định số 1203 cấp cho anh Đào Văn Sinh GCNQSDĐ tại thửa đất số 15, tờ bản đồ 15, chính là đất và nhà ở của vợ chồng tôi). Hiện nay, anh Sinh đang xây dựng nhà cấp 4 không phép, đồng thời còn có ý định đập phá ngôi nhà thuộc sở hữu của tôi.Tôi cần làm gì để đòi lại nhà và đất?

Nguyễn Thị Lan, xã Tân Hương, Phổ Yên, Thái Nguyên

Ý kiến của chúng tôi

1. Sự việc nên được giải quyết có lý có tình. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp tự hòa giải. Qua hòa giải, anh Đào Văn Sinh – người mà bà cho rằng đã “làm chui” để được cấp GCNQSDĐ – có thể nhận ra việc mình làm như vậy là không phải cả về lý lẫn tình, mà cam kết “sửa sai”?

Nếu các bên không thể tự giải quyết được, bà cần gửi đơn đến UBND xã, đề nghị tổ chức hòa giải tiếp. Theo quy định tại Điều 135 Luật Đất đai năm 2003, thời hạn hòa giải là 30 ngày làm việc, kể từ ngày UBND xã nhận được đơn. Kết quả hòa giải phải được lập thành văn bản có chữ ký của các bên tranh chấp và xác nhận của UBND xã.

2. Nếu hòa giải không thành, bà có thể gửi đơn đến Công an hoặc Thanh tra huyện, trình bày sự việc để những cơ quan này xem xét và kết luận. Bởi khoản 1, Điều 21, Nghị định số 84/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định như sau: “Trường hợp có văn bản của cơ quan điều tra, cơ quan thanh tra kết luận là GCNQSDĐ đã cấp trái với quy định của pháp luật thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận có trách nhiệm xem xét, nếu kết luận đó là đúng thì ra Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp”.

3. Việc thu hồi GCNQSDĐ đã cấp trái với quy định của pháp luật là một hoạt động bình thường trong quản lý Nhà nước, phù hợp yêu cầu tại Điều 3 Luật Khiếu nại, tố cáo “để tránh phát sinh khiếu kiện”.

4. Khi có căn cứ cho rằng, anh Đào Văn Sinh “có ý định đập phá” ngôi nhà của mình, bà cần báo cáo để chính quyền, công an biết. Khi ấy, theo quy định tại khoản 1, Điều 4 Bộ luật Hình sự, những cơ quan này có “trách nhiệm đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm”, áp dụng những biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn kịp thời hành vi phạm tội, tránh để xảy ra một vụ án hình sự về tội “Hủy hoại tài sản”.

Nguyễn Chấn