Tại Quyết định 2169/QĐ-UBND ngày 20/11/2008, UBND TP Hà Nội yêu cầu “tổ chức di dời các cửa hàng, hộ gia đình đang sinh sống trong các nhà chung cư nguy hiểm I1,I2, I3 – Thành Công 2”; Tổng công ty Sông Hồng – chủ đầu tư cùng chính quyền phường, quận “lập phương án phá dỡ, trình Sở Xây dựng thẩm định trước ngày 10/12/2008 để tổ chức phá dỡ ngay sau đó”.Nhưng, tại cuộc họp chiều 4/12/2008 giữa chính quyền quận Đống Đa, đại diện chủ đầu tư với các hộ dân chung cư I1, Phó Chủ tịch UBND quận Trần Việt Trung đã thừa nhận I1 không phải là “chung cư nguy hiểm”. Theo người dân thì cuộc họp này diễn ra với một “qui trình ngược”, bởi lãnh đạo quận Đống Đa đã tuyên bố toàn bộ 107 hộ dân tại 3 khu nhà I1, I2, I3, Thành Công sẽ phải dời đi chậm nhất vào 30/11/2008, nhưng sau đó, chính quyền quận sự nhớ mình… “quên” họp bàn, thống nhất với dân chung cư. Đây là lý do giải thích vì sao có cuộc họp chiều 4/12 (sau thời điểm lẽ ra đã phải dời đi 4 ngày).
Trong khi đó, trên mạng internet, đã xuất hiện la liệt các tin rao bán “nhà không khí” tại chính địa chỉ các chung cư I1, I2, I3 mà người dân đang cư ngụ…
Ý kiến của chúng tôi
- 1. Khoản 1, Điều 83 Luật Nhà ở quy định: “Nhà ở bị hư hỏng, xuống cấp có nguy cơ sập đổ đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về kiểm định chât lượng công trình xây dựng” là một trong những trường hợp bắt buộc phải phá dỡ. Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa thừa nhận I1 không phải “chung cư nguy hiểm” có nghĩa là nhà này không thuộc trường hợp phải phá dỡ theo quy định vừa nêu. Quyết định số 2169/QĐ-UBND ngày 20/11/2008 của UBND TP Hà Nội yêu cầu “tổ chức di dời các cửa hàng, hộ gia đình đang sinh sống trong các nhà chung cư nguy hiểm”, trong đó có nhà I1 lại… “không phải chung cư nguy hiểm” như Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Trần Việt Trung đã thừa nhận tại cuộc họp với các hộ dân như VietNam Net phản ánh cho thấy các hoạt động thông tin, báo cáo, chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền (từ phường, quận đến thành phố) trong vụ việc này rõ ràng…“có trục trặc” làm cho chỉ đạo của UBND TP “lập phương án phá dỡ, trình Sở Xây dựng thẩm định trước ngày 10/12/2008 để tổ chức phá dỡ ngay sau đó” đã không thể thực hiện, và điều quan trọng, lỗi này không phải do người dân chung cư I1 gây ra.
- 2. Sự việc chính quyền quận Đống Đa sực nhớ mình… “quên” họp bàn, thống nhất với các hộ dân chung cư I1 nên đã tổ chức cuộc họp chiều 4/12 nhằm thực hiện Qui chế cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp trên địa bàn TP Hà Nội (ban hành kèm Quyết định 48/2008/QĐ-UBND ngày 28/7/2008). Theo quy chế này, chủ đầu tư chỉ được thực hiện dự án“trên nguyên tắc đồng thuận, đảm bảo hai phần ba tổng số chủ sử dụng và sở hữu nhà ở hợp pháp trong phạm vi dự án đồng tình với phương án di chuyển, tạm cư, tái định cư được Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư quận, huyện phê duyệt thông qua văn bản có chữ ký của các hộ gia đình, được UBND phường, xã, thị trấn xác nhận“.
- 3. Nghĩ rằng đã có lúc ai đấy cố tình bất chấp thực tế để “áp đặt” nhà I1 là “chung cư nguy hiểm” đẩy các hộ dân vào “thế yếu” khi “thương lượng” có thể là chưa đúng! Tuy nhiên, chung cư I1 không thuộc diện “Nhà ở bị hư hỏng, xuống cấp có nguy cơ sập đổ đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về kiểm định chât lượng công trình xây dựng” nên pháp luật không quy định áp dụng các biện pháp cưỡng chế phá dỡ ngay, sẽ tạo thuận lợi hơn để chủ đầu tư cùng các hộ dân trao đổi “trên nguyên tắc đồng thuận” như quy định nêu trên của UBND TP Hà Nội.
- 4. “Không nên coi người dân như những nạn nhân cần được cứu giúp khi tiến hành cải tạo chung cư, hãy coi họ là đồng đầu tư và phải thấy họ cũng đang hy sinh rất nhiều để đô thị được thay đổi diện mạo!”
Câu nói trên đây của một vị lãnh đạo ngành xây dựng Việt Nam được báo điện tử Viêt Nam Net trân trọng trích dẫn, thiết nghĩ, đáng để cho chủ đầu tư cùng các nhà quản lý suy ngẫm!