“CHỦ CŨ” ĐÒI LẠI ĐẤT: KHÔNG CÓ CƠ SỞ !

Bà Đào Thị Nhiệm, sinh năm 1963, trú tại thôn Cẩm Khê, xã Tứ Minh, TP Hải Dương đề nghị Báo Thanh tra tư vấn một tình huống pháp lý:

Tôi có mảnh đất thổ cư với diện tích 531 m2, nguồn gốc thuộc quyền sử dụng của ông Nguyễn Văn Quyền, sinh năm 1937, trú tại 23/53 Phạm Ngũ Lão, TP Hải Dương. Năm 1986 và năm 1989, ông Quyền nhượng bán cho hai anh em bên gia đình chồng tôi ngôi nhà 3 gian và mảnh đất nói trên. Từ đó trở đi, mảnh đất đã được gia đình tôi đã sử dụng ổn định và năm 2002, tôi đã được UBND TP Hải Dương cấp GCNQSDĐ số 1017. Năm 2006, thấy giá đất lên cao, ông Quyền nói lại rằng ông chỉ “cho mượn đất” nên bây giờ ông kiện đòi lại quyền sử dụng mảnh đất này. Ngày 03/4/2007, Tòa án nhân dân TP đã thụ lý vụ kiện này có đúng quy định của pháp luật không?

Thời điểm diễn ra các sự việc là 1986 và 1989 pháp luật gọi là giao dịch dân sự được xác lập trước ngày 01-7-1996 (ngày Bộ luật Dân sự có hiệu lực). Bà cho biết, năm 2006, thấy giá đất lên cao, ông Quyền “nói lại” rằng ông chỉ… “cho mượn đất” chứ ông… “không bán” (chắc có ai đó “tham mưu”?). Tuy nhiên, nói theo luật thì “cho mượn đất” hay “bán đất” cũng đều là việc ông Quyền đã “giao đất đó cho người khác sử dụng”. Theo hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao tại Nghị quyết của  số 02/2004/QĐ-HĐTP ngày 10-8-2004:  “Chủ cũ (ông Nguyễn Văn Quyền) hoặc người thừa kế của người đó (như vợ, con của ông Quyền) không có quyền đòi lại quyền sử dụng đất nếu đất đó đã được giao cho người khác sử dụng và họ đã được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 1987, Luật Đất đai năm 1993, Luật Đất đai năm 2003, trừ trường hợp có căn cứ chứng minh người đang sử dụng đất đó có hành vi gian dối, lừa đảo để được giao quyền sử dụng đất”. Là người sử dụng mảnh đất ổn định từ năm 1986 nên năm 2002, bà đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp GCNQSDĐ theo Luật Đất đai năm 1993 là đúng quy định của pháp luật. Cần lưu ý rằng Nhà nước ta công nhận quyền sử dụng đất hợp pháp và cấp GCNQSDĐ cho “người đang sử dụng đất” trực tiếp đổ mồ hôi, công sức đầu tư  vào mảnh đất mà họ sử dụng, chứ không quy định trả lại quyền sử dụng đất cho người “chủ cũ” đăng ký đứng tên trong sổ địa chính 19-20 năm về trước nhưng lại không phải là “người đang sử dụng đất”. Theo  Điều 50 Luật Đất đai, có tên trong sổ địa chính là một điều kiện để nhà nước xem xét cấp GCNQSDĐ cho “người đang sử dụng đất”, chứ không phải cấp cho ông… “chủ cũ” !

Đây là một tình huống pháp lý khá phổ biến hiện nay khi giá đất tăng cao làm cho nhiều người “tiếc của”, kiện “đòi”; thậm chí không loại trừ khả năng có sự “ngã giá ăn chia” giữa những người liên quan một khi người “kiện đòi đất”… “chiến thắng”(!?). Tuy nhiên, đối chiếu với các quy định pháp luật hiện hành thì thấy không có cơ sở pháp lý để ông Quyền khởi kiện đòi lại đất mà ông “đã bán” hay kể cả là đất ông… “cho mượn” (?). Theo chúng tôi, cơ quan xét xử nên xem xét lại quyết định thụ lý việc ông Quyền khởi kiện . Căn cứ thời điểm xảy ra những giao dịch dân sự trong vụ này thì thời hiệu khởi kiện cũng đã hết.

Sau cùng, chúng tôi thiết nghĩ, việc Toà ra bản án trái pháp luật trả lại đất cho “chủ cũ” bất chấp hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao là điều không phải Thẩm phán nào cũng… dám làm, bởi Chỉ thị số 01/2003/CT của  Chánh án TAND tối cao về “nâng cao tinh thần trách nhiệm của Thẩm phán, cán bộ, công chức ngành Toà án nhân dân” đã cảnh báo rằng đối với một vụ xét xử oan sai thì “phải kiểm điểm nghiêm khắc, làm rõ trách nhiệm của Thẩm phán; trường hợp do thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc do năng lực yếu kém thì phải bị miễn nhiệm, cách chức hoặc không được bổ nhiệm lại chức danh Thẩm phán” ./.