BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ

 

QUỐC HỘI

Số: 19/2003/QH11

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Hà Nội, ngày 26 tháng 11 năm 2003

BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ

_____________

Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 10;

Bộ luật này quy định trình tự, thủ tục tiến hành các hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự.

Phần thứ nhất

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Chương I

NHIỆM VỤ VÀ HIỆU LỰC CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ

Điều 1. Nhiệm vụ của Bộ luật tố tụng hình sự

Bộ luật tố tụng hình sự quy định trình tự, thủ tục khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của những người tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng, của các cơ quan, tổ chức và công dân; hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự, nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, phát hiện chính xác, nhanh chóng và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.

Bộ luật tố tụng hình sự góp phần bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, bảo vệ trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa, đồng thời giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.

Điều 2. Hiệu lực của Bộ luật tố tụng hình sự

Mọi hoạt động tố tụng hình sự trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải được tiến hành theo quy định của Bộ luật này.

Hoạt động tố tụng hình sự đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là công dân nước thành viên của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập thì được tiến hành theo quy định của điều ước quốc tế đó.

Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng các đặc quyền ngoại giao hoặc quyền ưu đãi, miễn trừ về lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo các điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập hoặc theo tập quán quốc tế, thì vụ án được giải quyết bằng con đường ngoại giao.

Chương II

NHỮNG NGUYÊN TẮC CƠ BẢN

Điều 3. Bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa trong tố tụng hình sự

Mọi hoạt động tố tụng hình sự của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng phải được tiến hành theo quy định của Bộ luật này.

Điều 4. Tôn trọng và bảo vệ các quyền cơ bản của công dân

Khi tiến hành tố tụng, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm trong phạm vi trách nhiệm của mình phải tôn trọng và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, thường xuyên kiểm tra tính hợp pháp và sự cần thiết của những biện pháp đã áp dụng, kịp thời hủy bỏ hoặc thay đổi những biện pháp đó, nếu xét thấy có vi phạm pháp luật hoặc không còn cần thiết nữa.

Điều 5. Bảo đảm quyền bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật

Tố tụng hình sự tiến hành theo nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt dân tộc, nam nữ, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần xã hội, địa vị xã hội. Bất cứ người nào phạm tội đều bị xử lý theo pháp luật.

Điều 6. Bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân

Không ai bị bắt, nếu không có quyết định của Toà án, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát, trừ trường hợp phạm tội quả tang.

Việc bắt và giam giữ người phải theo quy định của Bộ luật này.

Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình.

Điều 7. Bảo hộ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của công dân

Công dân có quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản.

Mọi hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản đều bị xử lý theo pháp luật.

Người bị hại, người làm chứng và người tham gia tố tụng khác cũng như người thân thích của họ mà bị đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm, tài sản thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng những biện pháp cần thiết để bảo vệ theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của công dân

Không ai được xâm phạm chỗ ở, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của công dân.

Việc khám xét chỗ ở, khám xét, tạm giữ và thu giữ thư tín, điện tín, khi tiến hành tố tụng phải theo đúng quy định của Bộ luật này.

Điều 9. Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật

Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật.

Điều 10. Xác định sự thật của vụ án

Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.

Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.

Điều 11. Bảo đảm quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo

Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa.

Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án có nhiệm vụ bảo đảm cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo thực hiện quyền bào chữa của họ theo quy định của Bộ luật này.

Điều 12. Trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng

Trong quá trình tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải nghiêm chỉnh thực hiện những quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm về những hành vi, quyết định của mình.

Người làm trái pháp luật trong việc bắt, giam, giữ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 13. Trách nhiệm khởi tố và xử lý vụ án hình sự

Khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm khởi tố vụ án và áp dụng các biện pháp do Bộ luật này quy định để xác định tội phạm và xử lý người phạm tội.

Không được khởi tố vụ án ngoài những căn cứ và trình tự do Bộ luật này quy định.

Điều 14. Bảo đảm sự vô tư của những người tiến hành hoặc người tham gia tố tụng

Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Chánh án, Phó Chánh án Toà án, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án không được tiến hành tố tụng hoặc người phiên dịch, người giám định không được tham gia tố tụng, nếu có lý do xác đáng để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi thực hiện nhiệm vụ của mình.

Điều 15. Thực hiện chế độ xét xử có Hội thẩm tham gia

Việc xét xử của Toà án nhân dân có Hội thẩm nhân dân, của Toà án quân sự có Hội thẩm quân nhân tham gia theo quy định của Bộ luật này. Khi xét xử, Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán.

Điều 16. Thẩm phán và Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật

Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Điều 17. Toà án xét xử tập thể

Toà án xét xử tập thể và quyết định theo đa số.

Điều 18. Xét xử công khai

Việc xét xử của Toà án được tiến hành công khai, mọi người đều có quyền tham dự, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định.

Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc hoặc để giữ bí mật của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ thì Toà án xét xử kín, nhưng phải tuyên án công khai.

Điều 19. Bảo đảm quyền bình đẳng trước Toà án

Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện hợp pháp của họ, người bảo vệ quyền lợi của đương sự đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, đưa ra yêu cầu và tranh luận dân chủ trước Toà án. Tòa án có trách nhiệm tạo điều kiện cho họ thực hiện các quyền đó nhằm làm rõ sự thật khách quan của vụ án.

Điều 20. Thực hiện chế độ hai cấp xét xử

1. Toà án thực hiện chế độ hai cấp xét xử.

Bản án, quyết định sơ thẩm của Toà án có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của Bộ luật này.

Bản án, quyết định sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị trong thời hạn do Bộ luật này quy định thì có hiệu lực pháp luật. Đối với bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì vụ án phải được xét xử phúc thẩm. Bản án, quyết định phúc thẩm có hiệu lực pháp luật.

2. Đối với bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới thì được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

Điều 21. Giám đốc việc xét xử

Toà án cấp trên giám đốc việc xét xử của Toà án cấp dưới, Toà án nhân dân tối cao giám đốc việc xét xử của Toà án nhân dân và Toà án quân sự các cấp để bảo đảm việc áp dụng pháp luật được nghiêm chỉnh và thống nhất.

Điều 22. Bảo đảm hiệu lực của bản án và quyết định của Toà án

1. Bản án và quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành và phải được các cơ quan, tổ chức và mọi công dân tôn trọng. Cá nhân, cơ quan, tổ chức hữu quan trong phạm vi trách nhiệm của mình phải chấp hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định của Toà án và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc chấp hành đó.

2. Trong phạm vi trách nhiệm của mình, các cơ quan nhà nước, chính quyền xã, phường, thị trấn, tổ chức và công dân phải phối hợp với cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ thi hành bản án, quyết định của Tòa án trong việc thi hành án.

Các cơ quan nhà nước, chính quyền xã, phường, thị trấn có trách nhiệm tạo điều kiện và thực hiện yêu cầu của cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ thi hành bản án, quyết định của Tòa án trong việc thi hành án.

Điều 23. Thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự

1. Viện kiểm sát thực hành quyền công tố trong tố tụng hình sự, quyết định việc truy tố người phạm tội ra trước Toà án.

2. Viện kiểm sát kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự có trách nhiệm phát hiện kịp thời vi phạm pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng, áp dụng những biện pháp do Bộ luật này quy định để loại trừ việc vi phạm pháp luật của những cơ quan hoặc cá nhân này.

3. Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự nhằm bảo đảm mọi hành vi phạm tội đều phải được xử lý kịp thời; việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội.

Điều 24. Tiếng nói và chữ viết dùng trong tố tụng hình sự

Tiếng nói và chữ viết dùng trong tố tụng hình sự là tiếng Việt. Người tham gia tố tụng có quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình, trong trường hợp này cần phải có phiên dịch.

Điều 25. Trách nhiệm của các tổ chức và công dân trong đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm

1. Các tổ chức, công dân có quyền và nghĩa vụ phát hiện, tố giác hành vi phạm tội; tham gia đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức.

2. Cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm tạo điều kiện để các tổ chức và công dân tham gia tố tụng hình sự; phải trả lời kết quả giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm cho tổ chức đã báo tin, người đã tố giác tội phạm biết.

3. Các tổ chức, công dân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu và tạo điều kiện để cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thực hiện nhiệm vụ.

Điều 26. Sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với các cơ quan tiến hành tố tụng

1. Trong phạm vi trách nhiệm của mình, các cơ quan nhà nước phải áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm; phối hợp với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án trong việc đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.

Các cơ quan nhà nước phải thường xuyên kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao; phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật để xử lý và phải thông báo ngay cho Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát mọi hành vi phạm tội xảy ra trong cơ quan và trong lĩnh vực quản lý của mình; có quyền kiến nghị và gửi các tài liệu có liên quan cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát xem xét, khởi tố đối với người có hành vi phạm tội.

Thủ trưởng các cơ quan nhà nước phải chịu trách nhiệm về việc không thông báo hành vi phạm tội xảy ra trong cơ quan và trong lĩnh vực quản lý của mình cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát.

Các cơ quan nhà nước có trách nhiệm thực hiện yêu cầu và tạo điều kiện để các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thực hiện nhiệm vụ.

Nghiêm cấm mọi hành vi cản trở hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thực hiện nhiệm vụ.

2. Cơ quan thanh tra có trách nhiệm phối hợp với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án trong việc phát hiện và xử lý tội phạm. Khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì phải chuyển ngay các tài liệu có liên quan và kiến nghị Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát xem xét, khởi tố vụ án hình sự.

3. Trong phạm vi trách nhiệm của mình, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phải xem xét, giải quyết tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và phải trả lời kết quả giải quyết cho cơ quan nhà nước đã báo tin hoặc kiến nghị biết.

Điều 27. Phát hiện và khắc phục nguyên nhân và điều kiện phạm tội

Trong quá trình tiến hành tố tụng hình sự, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án có nhiệm vụ tìm ra những nguyên nhân và điều kiện phạm tội, yêu cầu các cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp khắc phục và ngăn ngừa.

Các cơ quan, tổ chức hữu quan phải trả lời về việc thực hiện yêu cầu của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án.

Điều 28. Giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự

Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự. Trong trường hợp vụ án hình sự phải giải quyết vấn đề bồi thường, bồi hoàn mà chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự thì có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Điều 29. Bảo đảm quyền được bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự, quyền lợi của người bị oan

Người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra có quyền được bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự, quyền lợi.

Cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự đã làm oan phải bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự, quyền lợi cho người bị oan; người đã gây thiệt hại có trách nhiệm bồi hoàn cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Điều 30. Bảo đảm quyền được bồi thường của người bị thiệt hại do cơ quan hoặc người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự gây ra

Người bị thiệt hại do cơ quan hoặc người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra có quyền được bồi thường thiệt hại.

Cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự phải bồi thường cho người bị thiệt hại; người đã gây thiệt hại có trách nhiệm bồi hoàn cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Điều 31. Bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự

Công dân, cơ quan, tổ chức có quyền khiếu nại, công dân có quyền tố cáo những việc làm trái pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự của các cơ quan và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự hoặc của bất cứ cá nhân nào thuộc các cơ quan đó.

Cơ quan có thẩm quyền phải tiếp nhận, xem xét và giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các khiếu nại, tố cáo; thông báo bằng văn bản kết quả giải quyết cho người khiếu nại, tố cáo biết và có biện pháp khắc phục.

Trình tự, thủ tục và thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo do Bộ luật này quy định.

Điều 32. Giám sát của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử đối với hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng

Cơ quan nhà nước, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, đại biểu dân cử có quyền giám sát hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng.

Nếu phát hiện những hành vi trái pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thì cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử có quyền yêu cầu, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận có quyền kiến nghị với cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định của Bộ luật này. Cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền phải xem xét, giải quyết và trả lời kiến nghị, yêu cầu đó theo quy định của pháp luật.