Áp dụng pháp luật như thế nào cho đúng?

 
 

(Thanh tra) – Tình huống: Ông Trần Huy Diệm, sinh năm 1945, thuộc diện gia đình chính sách, hộ khẩu thường trú tại tổ 21, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, Đà Nẵng cho biết: “Lúc sinh thời, cha mẹ tôi tạo dựng được một ngôi nhà và đất tại 304 (số cũ 190) đường Núi Thành, phường Hòa Cường Bắc. Trước khi chết, mẹ tôi đã lập di chúc cho người em ruột tôi là Trần Tấn Hòa toàn bộ ngôi nhà và đất 304 Núi Thành.

Di chúc lập vào ngày 4/1/1996 có chứng thực của UBND phường. Năm 1980, gia đình tôi hiến cho HTX Nông nghiệp Hòa Cường 3 sào đất ruộng lúa (1.480m2); khi ấy, mẹ tôi và tôi có thỏa thuận (không cần giấy tờ vì giao ước giữa mẹ và con) rằng tôi không tham gia vào việc sử dụng ngôi nhà 304 Núi Thành; tôi được mượn danh nghĩa mẹ đứng tên xin lại 400m2 đất đồi để lập vườn làm nhà, làm xưởng sản xuất tại tổ 21 phường Hòa Cường Bắc. Đất HTX Nông nghiệp giao 400m2, nhưng tôi cơi nới khai hoang thêm, nên tổng diện tích được 535,80m2. Tôi lập vườn, làm nhà ở và xây dựng một xưởng gạch hoa và hoàn thành mọi nghĩa vụ thuế nhà, đất trên khu đất từ quý IV/1992; năm 1996, đã đứng tên trong hồ sơ kỹ thuật Thửa đất 158, Tờ bản đồ địa chính số 41”.

Vẫn theo ông Diệm, sau ngày mẹ ông chết (16/3/1997), một số người em của ông đã lập di chúc giả nhằm chiếm đoạt toàn bộ diện tích đất nói trên, nhưng không thành, lại dẫn đến hậu quả: Ngày 23/7/1998, UBND TP Đà Nẵng ra Quyết định số 4201/QĐ-UB thu hồi toàn bộ diện tích 535,80m2 đất đang được hộ gia đình ông sử dụng, giao cho UBND phường Hòa Cường Bắc quản lý. Nhưng, hơn 10 năm qua, Quyết định số 4201/QĐ-UB chỉ là trên… giấy. Thực tế, hộ ông Diệm vẫn tiếp tục quản lý, sử dụng mảnh đất này. Năm 2006, khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án, hộ ông Diệm được UBND TP Đà Nẵng ban hành Quyết định số 893/QĐ-UBND ngày 26/6/2006 về việc bồi thường, hỗ trợ thiệt hại về nhà, đất và được bố trí tái định cư. Tuy nhiên, sau khi “phát hiện” diện tích 535,80m2 đất hộ ông Diệm đang quản lý, sử dụng đã bị thu hồi vào năm 1998 (theo Quyết định số 4201/QĐ-UB), ngày 31/01/2008, UBND TP Đà Nẵng đã ra Quyết định số 1289/QĐ-UBND “xử lý lại”: Hủy bỏ giá trị đền bù về đất đã giao cho dự án; hủy bỏ giá trị đền bù về nhà ở có trên đất; hủy bỏ (thu hồi) vị trí 3 lô đất tái định cư đã bố trí bán cho hộ bị giải tỏa trong khi hộ gia đình ông Diệm đã trả tiền, đã lập biên bản bàn giao đất thực địa, đã sử dụng làm nhà ở.

1. Năm 1998, UBND TP Đà Nẵng ban hành Quyết định số 4201/QĐ-UB thu hồi đất từ hộ gia đình ông Trần Huy Diệm, giao UBND phường Hòa Cường Bắc quản lý, nhưng hàng chục năm qua, quyết định này không được triển khai thực hiện mà chỉ nằm trên… giấy(!), cũng có nghĩa là đối với mảnh đất ấy, Nhà nước đã có quyết định quản lý, nhưng trong thực tế Nhà nước chưa quản lý.  Theo đó, việc sử dụng đất của hộ gia đình này từ đầu những năm 1980 của thế kỷ trước không bị “ngắt quãng”; họ tiếp tục là “người sử dụng đất ổn định” từ trước ngày 15/10/1993 đối với mảnh đất 535,80m2 tại tổ 21, phường Hòa Cường Bắc.
2. Những sự việc nêu trên diễn ra cho thấy, hộ ông Trần Huy Diệm đáp ứng điều kiện để được bồi thường về đất khi bị Nhà nước thu hồi do họ “đang sử dụng đất mà trước đây Nhà nước đã có quyết định quản lý trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước, nhưng trong thực tế Nhà nước chưa quản lý, mà hộ gia đình, cá nhân đó vẫn sử dụng” theo quy định tại khoản 9 Điều 8 Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 3/12/2004 về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Vì vậy, Quyết định 1289/QĐ-UBND của UBND TP Đà Nẵng “thu hồi trắng”: Không bồi thường về đất, về nhà, thu hồi đất đã bố trí tái định cư đối với hộ gia đình ông Trần Huy Diệm cần phải được xem xét lại.
3. Việc áp dụng pháp luật đối với trường hợp hộ gia đình ông Trần Huy Diệm, có thể căn cứ Nghị định số 84/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc “Bồi thường, hỗ trợ về đất khi Nhà nước thu hồi đất đối với đất sử dụng trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất” (khoản 1 Điều 44).