Ai được bồi thường đất khi Nhà nước thu hồi | ||
– Năm 1996, một số hộ dân ở thôn Cầu Dòng, xã Cộng Hòa, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương ký hợp đồng nhận khoán đất trồng vải thiều với Lâm trường quốc doanh Chí Linh (nay là Ban Quản lý (BQL) rừng Hải Dương), thời gian nhận khoán: 50 năm. |
||
Các hộ dân cho biết, có được những đồi vải xanh tốt như ngày nay, cho thu hoạch với sản lượng ổn định năm sau cao hơn năm trước, từng thành viên trong gia đình họ “phải làm lụng vất vả, phải thuê lao động chặt hạ, đánh gốc cây bạch đàn, san đất mặt bằng, đắp bờ lô, cuốc hố, vận chuyển đất màu từ các lòng hồ về đắp trồng cây; hàng năm phải bón phân chuồng, phân vô cơ, xới xáo để cải tạo đất…”.
Năm 2006, khi các hộ dân ở đây mới chỉ thực hiện hợp đồng nhận khoán được 10 năm (1996 – 2006) thì UBND tỉnh Hải Dương quyết định thu hồi đất họ đang sử dụng để xây dựng Trung tâm Giáo dục – Lao động – Xã hội của tỉnh. Đến nay, với lý do “còn phải xem xét”, Ban Giải phóng mặt bằng (GPMB) cùng chính quyền địa phương mới tiến hành đền bù cây cối, nhà cửa và các công trình phụ trên mặt đất, mà chưa bồi thường về đất, chưa hỗ trợ chi phí đầu tư vào đất, chưa hỗ trợ công ăn việc làm để bà con ổn định cuộc sống. Riêng bồi thường đất, có người “nói miệng” (không bằng văn bản) rằng, “định suất” này BQL rừng Hải Dương “được hưởng”, chứ không phải những người nhận khoán đất 50 năm được hưởng. Ý kiến của chúng tôi 1. Ban GPMB cùng chính quyền địa phương đã “tiến hành đền bù cây cối, nhà cửa và các công trình phụ trên mặt đất” khi thu hồi đất mà không gây thắc mắc từ phía bà con, có thể xem là một nỗ lực đáng hoan nghênh. 2. Căn cứ Điều 6 Nghị định số 197/2004/NĐ-CP của Chính phủ ngày 3/12/2004 về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất: Người đang sử dụng đất bị Nhà nước thu hồi đất có đủ điều kiện theo qui định của pháp luật thì được bồi thường về đất. Theo các qui định của Chính phủ và hướng dẫn của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ở T.Ư, UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành các qui định về giá các loại đất trên địa bàn tỉnh để làm cơ sở tính bồi thường cho người sử dụng đất khi đất họ đang sử dụng bị thu hồi. Ban GPMB dự án xây dựng Trung tâm Giáo dục – Lao động – Xã hội tỉnh Hải Dương cần thực hiện đúng các qui định tại những văn bản đó. Theo điểm a, khoản 4, Điều 7 Nghị định số 200/2004/NĐ-CP ngày 3/12/2004 về sắp xếp, đổi mới và phát triển lâm trường quốc doanh và khoản 2 điều 7 Nghị định số 197/2004/NĐ-CP về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, thì “BQL rừng” tỉnh Hải Dương hay “Lâm trường chuyển đổi sang loại hình đơn vị sự nghiệp có thu” không được bồi thường đất khi Nhà nước thu hồi đất vì những đơn vị này thuộc loại hình tổ chức được Nhà nước “giao đất không thu tiền sử dụng đất”. Có phải đây là vấn đề đang được các cơ quan Nhà nước ở địa phương “xem xét kỹ” để tránh… “nhầm lẫn” về địa chỉ người được bồi thường đất khi Nhà nước thu hồi đất chăng? Tuy nhiên, vấn đề đã được Nhà nước qui định “rõ như ban ngày” tại hai văn bản quy phạm pháp luật nêu trên rồi, đâu có gì phải… “lăn tăn”? Như vậy, ai đó nói rằng BQL rừng Hải Dương được hưởng “định suất” bồi thường đất khi Nhà nước thu hồi đất trong tình huống này là hoàn toàn trái với qui định của pháp luật! 3. Về các vấn đề khác như hỗ trợ chi phí đầu tư vào đất, hỗ trợ công ăn việc làm để ổn định cuộc sống khi người dân bị thu hồi đất: Hỗ trợ chi phí đầu tư vào đất được qui định tại Điều 7, hỗ trợ công ăn việc làm để ổn định cuộc sống cho người bị thu hồi đất được qui định tại Điều 21, Quyết định số 42/2008/QĐ-UBND ngày 29/8/2008 của UBND tỉnh Hải Dương ban hành Qui định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh. Mong rằng, chủ đầu tư (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương) cùng UBND huyện Chí Linh thực hiện đúng các qui định nêu trên.
|