Đòi lại tiền đặt cọc

Đòi lại tiền đặt cọc
Đòi lại tiền đặt cọc

(Thanh tra)- “Dành dụm được một khoản tiền, xuất phát từ nhu cầu cần mua một mảnh đất, vợ chồng tôi tới văn phòng Cty Cổ phần Tư vấn đầu tư (CPTVĐT) Nhà đất 24H số nhà 100 phố Trúc Khê, Đống Đa, Hà Nội để được tư vấn chọn mua đất. Sau khi nghe vợ chồng tôi trình bày, Cty đã tư vấn một lô đất tại khu đô thị mới Lê Trọng Tấn; yêu cầu đặt cọc trước số tiền là 30.000.000đ (ba mươi triệu đồng).

Ngày 5/11/2008, tôi đến văn phòng Cty CPTVĐT Nhà đất 24H ký hợp đồng đặt cọc và nộp ba mươi triệu đồng. Tại Điều 1, hợp đồng đặt cọc nêu rõ: Bên A (Cty CPTVĐT Nhà đất 24H) cam kết đưa bên B (là tôi) vào ký hợp đồng để mua lô đất liền kề A12, ô số 20, dịên tích 102m2, khu A – khu đô thị mới Lê Trọng Tấn do Cty Cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco) làm chủ đầu tư với giá  15.900.000đ/m2.
7 ngày sau (trong thời hạn hiệu lực của Hợp đồng), ngày 12/11/2008, đúng hẹn với Cty CPTVĐT Nhà đất 24H, tôi đến trụ sở chính của chủ đầu tư là Geleximco, địa chỉ 64 Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa để ký hợp đồng mua lô đất. Đến đây, tôi mới biết mình sẽ phải ký vào một bản hợp đồng với nội dung cho Geleximco vay vốn để được hưởng quyền “mua nhà ở xây thô đã hoàn thiện phần ngoài” (sản phẩm nhà ở), chứ không phải là “mua lô đất” như Cty CPTVĐT Nhà đất 24H đã tư vấn giới thiệu. Nhận thấy mình đã bị bên nhận đặt cọc lừa dối nên tôi không chấp nhận ký hợp đồng với Geleximco.Nếu không thương lượng được với Cty CPTVĐT Nhà đất 24H, tôi có thể đề nghị Tòa án giải quyết để đòi lại số tiền đặt cọc không? Toà án cấp nào có thẩm quyền giải quyết?”
Ý kiến của chúng tôi1. Bà có thể gửi đơn yêu cầu Tòa án có thẩm quyền “giải quyết việc dân sự” và sau khi xem xét, Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đặt cọc giữa bà Nguyễn Thị Thu Trang với Cty CPTVĐT Nhà đất 24H là vô hiệu.“Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận… Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường” (khoản 2, Điều 137 Bộ luật Dân sự).Ý kiến của bà Trang cho rằng mình “bị lừa dối” (tưởng rằng được “mua đất”) trong giao dịch dân sự đặt cọc với Cty CPTVĐT Nhà đất 24H, tức là được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ Geleximco, nhưng thực tế Geleximco chỉ bán “nhà xây thô” mà không “bán đất” cho bà, sẽ được Tòa án xem xét trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

2. Điều 131 Bộ luật Dân sự quy định giao dịch dân sự vô hiệu “do bị nhầm lẫn” và Điều 132 quy định giao dịch dân sự vô hiệu “do bị lừa dối”. Theo đó, khi một bên có lỗi vô ý làm cho bên kia nhầm lẫn về nội dung của giao dịch dân sự mà xác lập giao dịch thì bên bị nhầm lẫn “có quyền yêu cầu bên kia thay đổi nội dung của giao dịch đó, nếu bên kia không chấp nhận thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch vô hiệu”. Điều luật còn quy định: Trong trường hợp một bên do lỗi cố ý làm cho bên kia nhầm lẫn về nội dung của giao dịch thì được giải quyết theo quy định tại Điều 132 của Bộ luật Dân sự:  Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối dẫn đến việc hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó thì “có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu”.

3. Căn cứ khoản 6 Điều 26 và điểm b, khoản 1 Điều 34 Bộ luật Tố tụng Dân sự thì Toà án có thẩm quyền “giải quyết việc dân sự” trong vụ này là “Toà án tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư” (cụ thể là TAND TP Hà Nội). Thủ tục yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự được quy định tại Bộ luật Tố tụng Dân sự (từ Điều 311 đến Điều 318).